Ngày 5 tháng 6 năm 1972 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn và quyết định giao cho chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hợp Quốc tổ chức kỷ niệm. Từ đó, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày hội kỷ niệm này.
Mỗi năm Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP để tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu hành động, logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền vè Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu. Trong ngày này, nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới.
Ngày Môi trường Thế giới là cơ hội để các chính phủ, các tổ chức quốc tế tham gia ký kết và phê chuẩn những hiệp ước về môi trường. Chính phủ các nước, các thành phố, cơ quan chức năng và các tổ chức môi trường sẽ đưa ra những phương án hành động, các chiến dịch để bảo vệ môi trường và chăm sóc trái đất của chúng ta.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày lễ này trong phạm vi cả nước. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường thường phối hợp với các cơ quan liên quan phát động và tổ chức sôi nổi ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước với các hoạt động như: tổ chức các chiến dịch làm sạch đẹp môi trường sống, môi trường làm việc… và cũng chọn ra một địa phương nào đó làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước.
Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp Quốc đã phát động thêm Lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày Môi trường Thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.
(Nguồn internet)